Hai tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam nằm trong số 12 đơn vị viễn thông tại châu Á tham gia vào thỏa thuận xây cáp quang biển cùng Facebook, với tổng vốn đầu tư ước tính 450 triệu USD.

Các đơn vị quốc tế khác là China Mobile, China Telecom, China Unicom (đều của Trung Quốc), Chunghwa Telecom (Đài Loan), KT và LG (Hàn Quốc), NTT (Nhật Bản), StarHub (Singapore), Time dotcom (Malaysia) và PLDT (Philippines). Trong đó, Time dotcom đóng góp 45 triệu USD.

Trang SGE của Singapore đưa tin sau khi thông tin Facebook là một trong số những nhà đầu tư được tiết lộ, dự án được đổi tên từ Asia-Pacific Gateway (APG) thành Asia Submarine-cable Express (ASE), quy mô hệ thống cáp cũng tăng từ 7.200 km lên 10.000 km.

Đại diện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xác nhận đơn vị có tham gia vào dự án trên cùng với VNPT, nhưng cho biết hệ thống cáp tên ASE là không chính xác. Tuy nhiên, cả Viettel lẫn Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đều từ chối đưa ra bình luận thêm về thỏa thuận xây dựng hệ thống này. Số tiền mà hai đơn vị góp vốn cũng không được tiết lộ.

Dự án xây dựng tuyến cáp quang xuyên biển có chiều dài 10.000 km, nối liền từ Malaysia đến Hàn Quốc, với 7 nhánh rẽ tới các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á gồm Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm cải thiện tốc độ kết nối Internet của khu vực. Tuyến cáp mới sẽ được kết nối với các hệ thống lớn khác tại châu Âu, Trung Đông, các phần khác tại châu Á và Mỹ. Tuy nhiên lại không được nối trực tiếp vào tuyến cáp của Mỹ, nơi đặt máy chủ của Facebook.

BBC cho hay, dự án mang lại “trải nghiệm tốt hơn cho người dùng Facebook tại các quốc gia châu Á”, đồng thời phản ánh con đường Facebook đang đi để tiến sâu hơn vào thị trường phương Đông, nơi Internet đang tăng trưởng tốt và đầy hứa hẹn, trong khi thị trường Mỹ đang dần bão hòa.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang chặn mọi quyền truy cập vào Facebook để phát triển mạng xã hội của riêng họ, nên việc góp vốn của 3 đơn vị viễn thông tại đây chưa rõ có phải là động thái mở đường cho Facebook vào quốc gia đông dân số một thế giới hay không.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức từ quý III năm 2014. Hệ thống có tổng dung lượng thiết kế 54,8 terabit/giây, dùng công nghệ chiều dài bước sóng 40Gbps, nhưng có khả năng được tăng lên 100Gbps trong tương lai.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *