Trong mấy tuần qua, thỏa thuận Foxconn-Sharp đã có lúc tưởng chừng đổ vỡ…

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan cuối cùng đã hoàn tất thỏa thuận mua lại hãng Sharp sau mấy năm kiên trì theo đuổi. Thỏa thuận này đưa nhà lắp ráp chính điện thoại iPhone về chung một mái nhà với hãng điện tử sản xuất những chiếc TV đầu tiên của Nhật Bản.

Theo tin từ Bloomberg, Foxconn, tập đoàn mẹ của Hon Hai, trả 389 tỷ Yên, tương đương 3,5 tỷ USD, để sở hữu cổ phần kiểm soát trong Sharp. Foxconn và các công ty con sẽ nắm cổ phần 66% trong Sharp, hai bên cho biết trong tuyên bố ra ngày 30/3.

Trong mấy tuần qua, thỏa thuận Foxconn-Sharp đã có lúc tưởng chừng đổ vỡ.

Cách đây 1 tháng, Sharp tuyên bố chọn Foxconn để “bán mình”, thay vì một kế hoạch giải cứu từ quỹ Innovation Network Corp. of Japan (INCJ) có sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu về tình hình nợ nần của Sharp, Giám đốc điều hành (CEO) Terry Gou của Foxconn chưa vội ký thỏa thuận ngay mà đàm phán lại để có được một mức giá “mềm” hơn.

Việc thâu tóm Sharp nằm trong nỗ lực của Gou nhằm mở rộng hoạt động của Foxconn, đưa tập đoàn này từ chỗ là một nhà gia công trở thành một công ty không chỉ sản xuất linh kiện chính và lắp ráp thiết bị, mà còn bán các sản phẩm điện tử tới tay người tiêu dùng.

Nỗ lực theo đuổi Sharp của Gou, một tỷ phú, bắt đầu từ năm 2012 khi ông đề xuất mua lại hãng điện tử Nhật với giá 550 Yên/cổ phiếu. Mức giá mà Foxconn trả cho Sharp trong thỏa thuận vừa ký là 88 Yên/cổ phiếu.

Trước khi thỏa thuận được công bố, giá cổ phiếu Sharp niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo chốt phiên giao dịch ngày 30/3 với mức tăng 3,9%, đạt 135 Yên/cổ phiếu. Sharp cho biết hãng kỳ vọng gánh khoản lỗ hoạt động 170 tỷ Yên trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3, so với dự báo lãi 10 tỷ Yên đưa ra trước đó.

Việc bán một thương hiệu mang tính biểu tượng của Nhật Bản cho một công ty Đài Loan là điều hiếm gặp ở đất nước mặt trời mọc, nơi các công ty gặp khó từ lâu thường dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ và các ngân hàng trong nước.

Mới cách đây một tháng, quỹ INCJ với sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật còn chìa tay ra với Sharp – tập đoàn chống chất nợ nần và thua lỗ kinh niên. Nhưng Sharp cho rằng một thương vụ với Foxconn đem lại lợi ích lớn hơn.

Theo VnEconomy