WannaCryWannaCry
Theo các chuyên gia, mã độc WannaCry chưa thể lây nhiễm sang các hệ điều hành máy tính khác ngoài Windows, tuy nhiên không chắc có an toàn mãi hay không.

Mã độc WannaCry (hay WannaCrypt, WanaCrypt0r 2.0…) đang “làm mưa làm gió” trên Internet vì khả năng lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm khi khóa dữ liệu máy bị nhiễm và đòi tiền chuộc từ người dùng. Nạn nhân chủ yếu của lần tấn công diện rộng này là các máy tính chạy hệ điều hành Windows của Microsoft.

Hiện tại, người dùng các hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân khác như MacOS (của Apple) hay nền tảng mở Linux đều tỏ ra lo lắng về khả năng thiết bị của mình nhiễm loại ransomeware này.

Theo chuyên gia bảo mật độc lập Nguyễn Hồng Phúc, người dùng máy tính chạy các hệ điều hành ngoài Windows đến lúc này vẫn an toàn trước mã độc WannaCry. “Hiện tại WannaCry mạnh vì tấn công qua lỗi SMB của Windows, nên dĩ nhiên MacOS hay nền tảng khác chưa thể ảnh hưởng“, ông cho hay.

Chuyên gia này cũng cho cho biết hiện tại chưa có biến thể nào của mã độc này được phát triển và có khả năng đe dọa tới các hệ điều hành ngoài Windows. Internet là nguồn chính khiến các máy lây nhiễm, còn mạng LAN (mạng kết nối các máy tính với nhau trong phạm vi nhỏ, hay mạng máy tính cục bộ) là phương tiện lan truyền mã độc này trên diện rộng.

Một chuyên gia Công nghệ thông tin khác cũng đồng quan điểm. Tuy nhiên, ông cho biết thêm nếu máy MacOS hoặc Linux chạy giả lập môi trường Windows rồi chạy các file của những hệ điều hành này thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm, nhưng chưa rõ mức độ ảnh hưởng. “Tôi cho rằng chẳng mấy ai ‘dại dột’ làm vậy trong lúc này”, vị chuyên gia chia sẻ thêm.

Theo nhiều người dùng MacOS có kinh nghiệm và am hiểu vấn đề, không chỉ nền tảng MacOS mà cả các chương trình dành cho hệ điều hành này, kể cả do Microsoft phát hành (như Microsoft Office) cũng chưa thể lây nhiễm WannaCry với các biến thể hiện tại.

Người dùng hệ điều hành ngoài Windows, đặc biệt là MacOS nên cẩn trọng khi trên Internet bắt đầu xuất hiện các trang cho tải những phần mềm gỡ bỏ WannaCry khỏi máy, yêu cầu tải về các tập tin thực thi. WannaCry hiện tại chưa thể gỡ bỏ bằng phần mềm, và các chương trình trên không đảm bảo đủ độ tin cậy dành cho máy tính.

Trong số các phiên bản Windows hiện nay, thì nền tảng Windows XP dễ bị tấn công nhất. Lý do bởi Microsoft đã ngừng hỗ trợ cập nhật tính năng, vá lỗi và bảo mật cho hệ điều hành này từ vài năm trước. Điều này khiến khả năng bảo mật và an ninh của nền tảng này rất kém so với các hệ điều hành mới hơn, cũng như “yếu” trước sự phát triển không ngừng của các loại mã độc, phần mềm khả nghi chuyên tấn công máy tính với mục đích xấu.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và khả năng lây lan nhanh chóng của WannaCry, Microsoft mới đây đã có động thái chưa từng có tiền lệ là tung bản cập nhận vá lỗi cho các phiên bản hệ điều hành mà hãng đã ngừng hỗ trợ.

Theo đó, bản vá sẽ khắc phục lỗi chia sẻ file mà WannaCry đang khai thác, dành cho Windows XP, Windows 8 và Windows Server 2003. Người dùng đang sử dụng các phiên bản hệ điều hành cũ này có thể cập nhật bản vá lỗi tại địa chỉ của Microsoft. Người dùng cần tải đúng phiên bản dành cho máy tính của mình.

Theo Đời sống & Pháp lý