Mặc dù Flappy Bird không còn trên các kho ứng dụng nữa nhưng hơn 50 triệu người đã tải nó về vẫn có thể tạo ra hàng triệu USD doanh thu quảng cáo và tác giả của game, Nguyễn Hà Đông vẫn nhận được số tiền đó.

Trong vài ngày qua, dư luận toàn cầu cũng như Việt Nam đã rất bất ngờ trước quyết định gỡ bỏ Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông. Nhiều người lo lắng họ sẽ không thể trải nghiệm trò chơi gây nghiện này. Bên cạnh đó, một số người dùng đã chết lặng khi biết Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên chưa có gia đình đang sống với cha mẹ, quyết định quay lưng lại với sự giàu có mà game đó mang lại.

Tuần trước, Nguyễn Hà Đông nói với trang công nghệ The Verge rằng với 50 triệu lượt tải Flappy Bird mỗi ngày anh kiếm được 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) từ doanh thu quảng cáo. Sau đó, anh chia sẻ với trang Forbes rằng anh không thể xác nhận con số 50.000 USD, mà chỉ cho biết “đó là một con số rất lớn”.

Đông chia sẻ với Forbes rằng Flappy Bird sẽ bị khai tử vĩnh viễn vì nó có khả năng gây nghiện.

“Flappy Bird được thiết kế để giải trí trong ít phút thôi. Nhưng có vẻ như nó đang trở thành một game gây nghiện. Tôi nghĩ đó là một vấn đề, và cách giải quyết tốt nhất là hạ Flappy Bird xuống, nó sẽ không xuất hiện trở lại nữa”.

Theo phân tích của trang công nghệ Cnet, lý do gỡ Flappy Bird vì nó gây nghiện không hoàn toàn thực tế. Bởi vì hành động gỡ bỏ Flappy Bird khỏi Apple App Store and Google Play Store của Nguyễn Hà Đông không hề ảnh hưởng tới những người đã tải trò chơi này về máy. Điều đó có nghĩa là nếu không có bất kỳ cập nhật nào thì trò chơi vẫn sẽ hoạt động bình thường trong thời gian dài.

Hơn thế nữa, Đông không hề quay lưng với tiền bạc. Đông vẫn nhận được tiền từ các hãng quảng cáo cho tới khi Đông loại bỏ các quảng cáo đang hiển thị trong trò chơi hoặc khi công chúng đồng loạt quyết định ngừng chơi Flappy Bird. Hàng chục triệu người đã tải về Flappy Bird và tiếp tục chơi chúng không ngừng, do đó vô số quảng cáo sẽ được hiển thị. Và số tiền Đông kiếm được từ game này sẽ tiếp tục phình to ra.

“Có một điều khá thú vị là ứng dụng (Flappy Bird) đang kiếm được nhiều tiền hơn so với một tuần trước”, Krisha Subramanian, đồng sáng lập Mobclix, một nền tảng mạng quảng cáo di động lớn, cho biết. “Bất cứ ai có ứng dụng này trên điện thoại của họ sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy hiển thị quảng cáo. Càng nhiều người nghiện, doanh thu quảng cáo tạo ra càng lớn”.

Đông đã từng đăng trên Twitter cá nhân vào ngày 8/2 rằng “22 giờ nữa, tính từ thời điểm này, tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa“. Tin nhắn này đã được nhắn lại (retweet) 144.489 lần, một dấu hiệu cho thấy trò chơi nhỏ, đơn giản này đã tạo ra một cơn sốt trên toàn thế giới. Nó cũng theo sau hàng loạt tweet trước đó với nội dung cho biết anh đã không thể chịu được sự căng thẳng và hao phí thời gian do sự chú ý của cả thế giới.

Nhiều người có thể kết luận Đông đã rất có trách nhiệm tới những gì anh giới thiệu với toàn thế giới. Song hành động có trách nhiệm của Đông đã khiến dư luận quên đi thực tế rằng hàng ngày Đông vẫn đang thu về rất nhiều tiền.

Nhiều người khác lại cho rằng quyết định gỡ bỏ trò chơi của Đông là một hành động marketing tuyệt vời. Theo Krisha Subramanian, thông báo gỡ bỏ trò chơi đã thu hút sự chú ý không thể tin nổi, và có lẽ trong những giờ cuối hàng trăm triệu người đã cố gắng tải trò chơi về, chưa kể tới con số giờ chơi khổng lồ của Flappy Bird.

“Rất nhiều người chơi đã đăng kỷ lục mới của họ trên Facebook trong tuần qua”, Subramanian cho biết.“Khi mọi người chơi Flappy Bird và đạt được các mức 40, 100, hoặc 200, họ càng đạt được các mức này nhiều lần thì quảng cáo được hiển thị càng nhiều. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra miễn là mọi người tiếp tục chơi Flappy Bird”.
Tất nhiên, cũng có thể quyết định gỡ bỏ game Flappy Bird của tác giả là hành động để tác động gây nghiện của game không lan tỏa thêm nữa.

Theo CNet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *